Hài hoà và đồng lợi ích
Hài hòa giữa giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội
Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính có thể mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và hỗ trợ thực hiện các chính sách khác. Giảm phát thải khí nhà kính cũng có thể đem lại lợi ích đối với các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và ngược lại. Trong đó, các hành động giảm phát thải khí nhà kính có mức độ đóng góp đối với thích ứng với biến đổi khí hậu cao hơn so với đóng góp của các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu đối với giảm phát thải khí nhà kính.
Các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực LULUCF, năng lượng và các quá trình công nghiệp có tiềm năng đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với lĩnh vực nông nghiệp và chất thải.
Trong lĩnh vực năng lượng, các biện pháp cung cấp năng lượng và một số biện pháp tiêu thụ năng lượng như sử dụng nhiên liệu sinh học, phương tiện giao thông điện và các thiết bị điện hiệu suất cao trong dịch vụ thương mại được đánh giá có mức độ đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao đến rất cao. Các biện pháp trong lĩnh vực LULUCF đều có mức độ hài hòa, đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao. Trong lĩnh vực các quá trình công nghiệp, giải pháp mang lại lợi ích đối với phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất và được đánh giá ở mức cao là sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu. Trong lĩnh vực chất thải, các biện pháp giảm phát thải được đánh giá có mức độ đồng lợi ích với phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao là các giải pháp giảm chất thải rắn và sản xuất tấm nhiên liệu RDF.
Các hành động giảm phát thải đóng góp cho thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc góp phần nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng và của cơ sở hạ tầng. Các hành động giảm phát thải trong lĩnh vực LULUCF mang lại lợi ích đối với thích ứng được đánh ở mức “rất cao”, chủ yếu thông qua các hoạt động về bảo vệ rừng, trồng rừng, tái tạo rừng và quản lý rừng bền vững, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Các lĩnh vực nông nghiệp, các quá trình công nghiệp và năng lượng có đóng góp về nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng ở mức “cao”, lĩnh vực chất thải ở mức “trung bình”.
Các biện pháp có mức độ hài hòa được đánh giá ở mức “rất cao” gồm: Các hành động liên quan đến áp dụng công nghệ tốt nhất để giảm phát thải cho ngành hóa chất, ngành thép và sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu (các quá trình công nghiệp); các biện pháp liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hành nông nghiệp hữu cơ (lĩnh vực nông nghiệp); phát triển khí sinh học thay than cho đun nấu ở nông thôn; gia nhiệt trong máy cán thép; phun than antracit bột vào lò cao, và các giải pháp bên cung cấp năng lượng (ngành năng lượng).
Các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu cũng mang lại sự hài hòa và đồng lợi ích lớn nhất về mặt thể chế, chính sách, tiếp đến là về mặt xã hội và về mặt kinh tế. Các nhóm giải pháp của các lĩnh vực khác nhau có mức độ đóng góp khác nhau đối với phát triển, trong đó thích ứng trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực mang lại lợi ích cao nhất.
Thích ứng với biến đổi khí hậu tạo điều kiện tiên quyết để bảo đảm ổn định xã hội và phát triển kinh tế từ đó mới có thể thực hiện giảm phát thải nhiều hơn. Thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại lợi ích đối với giảm phát thải trong giảm cường độ phát thải. Mỗi hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng lĩnh vực có đóng góp đối với giảm phát thải khác nhau. Trong đó, lĩnh vực về quản lý rừng và các hệ sinh thái có các nhóm hoạt động với tiềm năng đóng góp lớn nhất là: quản lý tài nguyên rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn, rừng ven biển. Tiếp đến là lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới, trong đó có các nhóm hoạt động về phát triển các mô hình sinh kế bền vững, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng.

Hài hòa giữa ứng phó với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững
Việc thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong NDC 2022 sẽ góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu có mức đóng góp lớn nhất đến Mục tiêu 13 về “Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai” và Mục tiêu 11 về “Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng”. Các hành động giảm phát thải có tiềm năng đem lại lợi ích lớn về tăng cơ hội việc làm, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe cộng động, nhờ đó có đóng góp lớn nhất đến Mục tiêu 03 về “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi”, Mục tiêu 08 về “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”, Mục tiêu 12 về “Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững”, Mục tiêu 13 và 17 về “Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững”. Trong đó, đóng góp cho Mục tiêu 03 và Mục tiêu 13 được đánh giá là lớn nhất.
Nội dung tham khảo: Các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam
​​​​​​​