Sign In

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2024: Các vấn đề về nhiệt độ

00:00 12/09/2024

Chiến dịch NGÀY LẠNH THẾ GIỚI NĂM 2024 có chủ đề là CÁC VẤN ĐỀ VỀ NHIỆT ĐỘ (Dịch từ tiếng Anh: Temperature Matters). Chiến dịch năm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về những tác động tích cực và tầm quan trọng của ngành công nghiệp làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt, không chỉ dừng lại ở việc làm mát hay sưởi ấm hiệu quả mà còn các khía cạnh khác liên quan đến chất lượng môi trường trong nhà.

 
Ngày 26 tháng 6 năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Lord Kelvin, một nhà khoa học người Anh đã đưa ra thang đo nhiệt độ tuyệt đối mang tên ông.
 
Việc kiểm soát nhiệt độ bề mặt Trái đất để giảm hiệu ứng nhà kính làm nóng lên toàn cầu và vai trò của ngành công nghiệp làm lạnh ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng và biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp. Việc kiểm soát nhiệt độ hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và mang lại sự thoải mái cho cuộc sống của con người, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.
 
Chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu Trái đất, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn từ năm 1994. Là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính.
 
Ngày 11 tháng 6 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 496/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Kế hoạch đề ra mục tiêu quản lý, loại trừ hiệu quả các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal thông qua chuyển đổi công nghệ và sử dụng các chất có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp hoặc bằng “0”, triển khai các giải pháp làm mát bền vững theo Cam kết làm mát toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia tại COP28 (2023), phấn đấu đến năm 2045 giảm phát thải 11,2 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) từ hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát. Các giải pháp làm mát bền vững bao gồm: Làm mát thụ động trong các công trình xây dựng và khu vực đô thị, sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo trong hệ thống và thiết bị lạnh, nâng cao hiệu quả năng lượng của thiết bị lạnh và điều hoà không khí, tăng cường năng lực và trình độ của đội ngũ kỹ thuật viên,…
 
Các mục tiêu của Kế hoạch bao gồm 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và lộ trình thực hiện đến năm 2045 theo từng giai đoạn đối với các nhóm đối tượng, nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan đến các chất được kiểm soát để đạt được các mục tiêu đề ra./.

​​​​​​​

Cục BĐKH

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2025 - Ngày mát nhất trong năm!

Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động làm mát bền vững

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép lĩnh vực làm mát vào NDC tại cuộc họp các bên tham gia cam kết làm mát toàn cầu

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2024: Các vấn đề về nhiệt độ

Làm mát bền vững góp phần giảm phát thải các-bon

Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu tại COP 28