Sign In

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2025 - Ngày mát nhất trong năm!

00:00 26/06/2025

Ngày Lạnh Thế giới năm 2025 được tổ chức vào ngày 26 tháng 6, là một sáng kiến quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc làm lạnh với những tác động đến nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Khởi nguồn vào năm 2019 xuất phát từ ý tưởng của Stephen Gill, cựu Chủ tịch Hội Lạnh tại Vương quốc Anh, chủ đề của Ngày lạnh Thế giới thay đổi theo từng năm, nhằm nhấn mạnh và hướng sự quan tâm của cộng đồng vào các vấn đề cấp bách về công nghệ lạnh và điều hòa không khí. Chủ đề năm nay là "Kỹ năng làm mát" (Dịch từ tiếng Anh là "Cool Skills"), đề cao tính chuyên nghiệp và hoạt động đào tạo của các chuyên gia trong lĩnh vực làm lạnh, điều hòa không khí và bơm nhiệt. Sự kiện này thu hút sự tham gia của chính phủ các quốc gia, các tổ chức, cá nhân và công ty trên toàn thế giới để tôn vinh vai trò của làm lạnh trong cuộc sống hàng ngày.
 
Các thông tin chính về Ngày Lạnh Thế giới năm 2025 như sau:
 
- Chủ đề: "Kỹ năng làm mát" nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyên môn kỹ thuật, công tác đào tạo và các chuyên gia tham gia thúc đẩy sự phát triển của ngành lạnh;
 
- Tầm quan trọng: Ngành lạnh đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực bao gồm bảo quản thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, mang lại những tiện ích cho cuộc sống của con người và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu;
 
- Tác động toàn cầu: Sự kiện Ngày Lạnh Thế giới được tổ chức để truyền cảm hứng đối với việc phát triển và áp dụng các giải pháp làm mát sáng tạo và bền vững phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp của các thế hệ tương lai;
 
- Tập trung vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0: Các nội dung về Ngày Lạnh Thế giới cũng đang được lồng ghép vào các cuộc thảo luận về mục tiêu phát thải ròng bằng 0, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm mát cùng với cấp nhiệt;
 
- Tổ chức sự kiện: Hội Lạnh Quốc tế (IIR) tổ chức một sự kiện cấp cao tại Paris vào ngày 18 tháng 6. Ngoài ra, nhiều tổ chức và quốc gia được khuyến khích tổ chức các sự kiện quốc gia để nâng cao nhận thức.
 
Sự kiện Ngày Lạnh Thế giới năm 2025 do Hội Lạnh Quốc tế tổ chức có sự tham gia của các đại biểu là những người chịu trách nhiệm ra quyết định quan trọng của chính phủ các quốc gia, các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế đối tác để thúc đẩy đối thoại và hợp tác về tầm quan trọng của ngành lạnh trong xã hội. Sự kiện này được tổ chức đúng một năm sau khi chiến lược mới 2024-2028 của IIR được thông qua, đáp ứng sứ mệnh thúc đẩy hợp tác và trao đổi kiến thức.
 
Sự kiện mang đến cơ hội để kỷ niệm Ngày Lạnh Thế giới và là nền tảng để thảo luận về vai trò quan trọng của ngành lạnh, từ việc đảm bảo tiếp cận thực phẩm an toàn và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhạy cảm với nhiệt độ thông qua làm lạnh và chuỗi lạnh, đến hỗ trợ quá trình giảm phát thải các-bon trong cấp nhiệt thông qua công nghệ bơm nhiệt và thúc đẩy an ninh năng lượng.
 
Tại Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phổ biến Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát đến các cơ quan quản lý có liên quan, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành lạnh. Kế hoạch quốc gia đã tích hợp toàn diện các yêu cầu quản lý mới để triển khai thực hiện đồng bộ các cam kết quốc tế, sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn và làm mát bền vững mà Việt Nam đã tham gia. Việc thực hiện theo lộ trình của Kế hoạch cũng giúp các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trung hạn và dài hạn phù hợp với lộ trình của quốc gia.
 
Theo thống kê, đánh giá của Ban Thư ký Ô-dôn, Việt Nam đã loại trừ tiêu thụ 220 triệu tấn các-bon thông qua hoạt động loại trừ các chất được kiểm soát kể từ năm 1994 đến nay. Quốc tế đánh giá Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm cao; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát. Việt Nam cũng đã tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khởi xướng, Sáng kiến về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon do Nhật Bản khởi xướng và tham gia Cam kết làm mát toàn cầu cùng cộng đồng quốc tế. Mục tiêu nhằm giảm phát thải toàn cầu từ các hoạt động làm mát trong tất cả các lĩnh vực đạt ít nhất 68% vào năm 2050 so với năm 2022. Theo cam kết, đến năm 2045, Việt Nam sẽ loại trừ tiêu thụ 11,2 triệu tấn CO2tđ các chất được kiểm soát mà vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề liên quan.
 
Một số việc quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới:
 
- Tiếp tục thực hiện cam kết không sản xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất và tiêu thụ các chất và sản phẩm, thiết bị từ chất cấm; chỉ nhập khẩu, sử dụng chất Methyl bromide cho mục đích khử trùng và kiểm dịch hàng hóa;
 
- Tuân thủ lộ trình loại trừ các chất HCFC nhằm không nhập khẩu từ năm 2040;
 
- Tăng cường thúc đẩy chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng sử dụng các chất thay thế nhằm giảm dần lượng tiêu thụ các chất HFC, góp phần giảm đến 80% lượng tiêu thụ vào năm 2045;
 
- Tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật về thực hành tốt trong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí, đặc biệt là giảm tỷ lệ rò rỉ môi chất lạnh ra môi trường;
 
- Xây dựng kế hoạch thu gom, tái chế, xử lý môi chất lạnh theo từng lĩnh vực và theo tiếp cận vòng đời;
 
- Thúc đẩy mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng (Esco) và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí./.

​​​​​​​

Cục BĐKH

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2025 - Ngày mát nhất trong năm!

Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động làm mát bền vững

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép lĩnh vực làm mát vào NDC tại cuộc họp các bên tham gia cam kết làm mát toàn cầu

Ngày Lạnh Thế giới Năm 2024: Các vấn đề về nhiệt độ

Làm mát bền vững góp phần giảm phát thải các-bon

Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu tại COP 28