Sign In

Đáp ứng lộ trình loại trừ dần các chất được kiểm soát

00:00 13/09/2024

Năm 2024 đánh dấu cột mốc tròn 30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Những kết quả đạt được là nền tảng quan trọng để Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn, toàn diện hơn và cũng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

 
Đất nước hiện đại không thể thiếu điều hoà:
 
Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng, thu nhập của người dân tăng lên cùng với nhu cầu sử dụng thiết bị lạnh và điều hòa không khí cũng tăng cao. Quy mô thị trường thiết bị trong lĩnh vực này của Việt Nam hiện đã lớn nhất trong nhóm các nước ASEAN. Điều này dẫn tới trong 3 năm trở lại đây, chúng ta đang tiêu thụ khoảng 2.600 tấn môi chất lạnh HCFC (chất gây suy giảm tầng ô-dôn) và trung bình khoảng 6.000 tấn môi chất lạnh HFC, nếu quy đổi sẽ tương đương gần 11 triệu tấn CO2.
 
Trong xu hướng phát triển mạnh về công nghệ, công nghiệp 4.0 như IoT, Bigdata, AI, iCloud, Data Centre, nhu cầu sử dụng ĐHKK sẽ còn tăng lên mạnh mẽ hơn nữa. Lý giải về điều này, PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách Khoa Hà Nội) - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà Không khí Việt Nam cho biết: Toàn bộ nền công nghiệp 4.0 đều liên quan đến công nghiệp điện tử và ứng dụng trên nền tảng công nghiệp điện tử bán dẫn là công nghệ thông tin. Có thể hình dung, một chiếc máy tính có tốc độ xử lý nhanh, dung lượng lưu trữ thông tin lớn thì càng nóng và tỏa nhiệt ra môi trường. Muốn hoạt động ổn định, máy phải được đặt tại nơi có điều hòa nhiệt độ chạy 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ phòng và làm mát. Đó là chưa kể những hệ thống trung tâm dữ liệu khổng lồ, cần tới cả một hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí sạch; hay hệ thống làm lạnh và công nghệ tòa nhà thông minh...
 
Bên cạnh đó, nhu cầu làm lạnh trong các ngành dược phẩm, thực phẩm, giao thông vận tải... cũng tăng nhanh theo nhu cầu xã hội. Thống kê hiện nay, ngành lạnh tiêu hao khoảng 16% - 20% tổng lượng điện tiêu hao chung trên thế giới và đến năm 2030 có thể lên đến 30%. Trong bối cảnh phần lớn nguồn điện đến từ năng lượng hóa thạch, thách thức đặt ra là cần làm sao cân bằng giữa nhu cầu làm mát chính đáng của con người mà vẫn đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, làm mát Trái đất như cam kết Net Zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã đặt ra.
 
Nếu không có những giải pháp toàn diện và quyết liệt như thực thi Nghị định 06/2002/NĐ-CP và Thông tư 01/2022/TT-BTNMT, Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, như một lẽ dĩ nhiên, nhu cầu tiêu dùng thiết bị lạnh và ĐHKK và lượng sử dụng môi chất lạnh quy đổi về CO2 sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
 
Lĩnh vực đầu tiên có lộ trình rõ ràng:
 
Tại COP28, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tham gia sáng kiến làm mát toàn cầu - Global Cooling Pledge, với mục tiêu tới 2050 sẽ giảm 68% phát thải khí nhà kính quy đổi tương đương về CO2 trong lĩnh vực này. Thách thức lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để huy động cộng đồng xã hội, hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trước mắt là triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch quốc gia. Những thành quả sau 30 năm tham gia Nghị định Montreal sẽ là nền tảng cho công cuộc giảm phát thải.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, có lẽ đây là lĩnh vực đầu tiên có một kế hoạch cụ thể có tính khả thi để bảo vệ tầng ô-dôn và hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch tuân thủ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia năm 2019, lượng sử dụng các chất HFC phải giảm theo lộ trình thời gian bắt đầu từ năm 2024 cho đến năm 2045.
 
Rào cản lớn nhất vẫn là thiếu lực lượng cán bộ kỹ thuật được đào tạo tốt, được trang bị kiến thức về thu hồi môi chất lạnh trong hoạt động lắp đặt, vận hành, sữa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Trong 2 năm qua, khoảng 100 khóa tập huấn đã được triển khai tới gần 3.000 cán bộ kỹ thuật, 15 khóa tập huấn cho khoảng 300 - 400 giảng viên các trường cao đẳng nghề về các kỹ năng thực hành thu hồi môi chất, lắp đặt tốt thiết bị. Tuy vậy, số lượng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
 
“Thời gian tới, chúng tôi hy vọng tiếp tục sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa nhằm phát huy hiệu quả mô hình hợp tác 3 bên: Cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, các Hội ngành nghề; có nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng tay nghề cho hàng trăm nghìn cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực Lạnh & ĐHKK trên toàn quốc” - PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
 
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, những cơ sở kinh doanh hội nhập thị trường quốc tế luôn sẵn sàng thực hiện việc chuyển đổi sử dụng các loại môi chất lạnh thân thiện với môi trường. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, ngành thủy sản là ngành đặc thù, sử dụng công nghệ máy nén và lượng môi chất lạnh rất lớn phục vụ cho mục đích đông lạnh, bảo quản sản phẩm qua các công đoạn từ khi đánh bắt, chế biến tới tiêu thụ trên thị trường.
 
Nhiều năm qua, các thành viên hội đã chủ động tiếp cận các công nghệ đông lạnh tiên tiến nhất. Động lực lớn đến từ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu giá trị cao, với những tiêu chuẩn phát triển bền vững ngày càng cao. Hơn ai hết, ngành thủy sản hội nhập sớm và ý thức rất rõ đây là việc cần phải làm để cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác có nguồn cung ứng thủy sản dồi dào. Bên cạnh đó, động lực đến từ chính nhận thức của doanh nghiệp, làm sao để tối ưu hóa, giảm chi phí vận hành, trong đó có giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải từ khâu đông lạnh.
 
Với dư địa giảm phát thải lớn, đây cũng là lĩnh vực tiềm năng để các doanh nghiệp có thể tạo tín chỉ và tham gia thị trường giao dịch tín chỉ các-bon trong thời gian tới./.
 

​​​​​​​

Theo Báo TNMT: https://baotainguyenmoitruong.vn/e-magazine-30-nam-viet...

Bình luận

Bài viết cùng chuyên mục

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn

Doanh nghiệp cần đáp ứng quy định về loại trừ dần các chất được kiểm soát

Cần thực hiện các giải pháp bảo vệ tầng ô-dôn

Thông tin báo chí Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn 16/9/2024

30 năm Việt Nam tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal

Đáp ứng lộ trình loại trừ dần các chất được kiểm soát